Trang chủ Tin tức Đề xuất doanh nghiệp bảo hiểm tham gia bảo lãnh dự án Bất động sản

Đề xuất doanh nghiệp bảo hiểm tham gia bảo lãnh dự án Bất động sản

bởi Hoàng Long
De-xuat-doanh-nghiep-bao-hiem-bao-lanh-du-an-Bat-dong-san

Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) kiến nghị cho thêm các doanh nghiệp bảo hiểm có uy tín tham gia bảo lãnh dự án bất động sản để giảm nhẹ gánh nặng cho chủ đầu tư dự án và người mua nhà.

Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định việc bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện.

Trên thực tế đến ngày 1/7 tới đây Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 sẽ chính thức có hiệu lực. Xét tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, số lượng vào cuộc của ngân hàng còn rất nhỏ so với số dự án bất động sản cần bảo lãnh.

Vừa qua tập đoàn Novaland đã được Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) bảo lãnh 04 dự án gồm: The Sun Avenue (quận 2), The Tresor, River Gate (quận 4) và Lucky Palace (quận 6); Công ty Cổ phần Đầu tư Thảo Điền đã được Ngân hàng Techcombank bảo lãnh dự án Masteri Thảo Điền (quận 2).

ocb-acb-hd bank-sacomreal

Ngân hàng OCB, ACB, HD Bank đồng hành tài trợ dự án của Sacomreal

Công ty Sacomreal đã được các ngân hàng OCB, ACB, HDBank bảo lãnh dự án Jamona City, Jamona Riverside (quận 7), Carillon 3 (Tân Bình).

Hầu hết các ngân hàng này đều bảo lãnh cho các dự án khi bán nhà ở hình thành trong tương lai theo phương thức không yêu cầu ký quỹ, không cần phải có tài sản bảo đảm, với mức phí bảo lãnh thấp.

Tuy nhiên, HoREA bày tỏ trong lúc trên thị trường hiện nay đang có những doanh nghiệp hoạt động bảo hiểm có uy tín thương hiệu, có đủ năng lực, điều kiện, và trên thực tế trong hoạt động bảo lãnh dự thầu đã có doanh nghiệp bảo hiểm cấp chứng thư bảo lãnh dự thầu và đã được bên mời thầu chấp thuận.

“Nên bổ sung thêm doanh nghiệp bảo hiểm tham gia thực hiện hoạt động bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, mà chủ đầu tư dự án chỉ phải trả phí bảo hiểm, không phải ký quỹ, hoặc không cần phải có tài sản bảo đảm”, HoREA lý giải.

Trên cơ sở đó, HoREA kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cho thí điểm cho phép các công ty bảo hiểm có uy tín thương hiệu, có năng lực (danh sách do cơ quan có thẩm quyền công bố) thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai.

“Các công ty bảo hiểm hiện nay đang hoạt động theo phương thức chỉ thu phí bảo hiểm, không yêu cầu ký quỹ hoặc tài sản thế chấp. Do vậy, sẽ làm giảm nhẹ gánh nặng cho chủ đầu tư dự án và người tiêu dùng khi mua, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai”, nhận định.

Về phía ngân hàng bảo lãnh bất động sản, để vệ quyền lợi cho người mua nhà, HoREA còn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sửa đổi, bổ sung Thông tư 28/2012/TT-NHNN ngày 03/10/2012 với các nội dung như sau:

Thứ nhất, NHNN công bố danh sách ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai (quy định tại khoản 1 điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản 2014);

Thứ hai, NHNN cho phép các ngân hàng thương mại này được thực hiện bảo lãnh cho các chủ đầu tư dự án bất động sản có uy tín thương hiệu, có năng lực, đang triển khai thực hiện dự án đúng kế hoạch tiến độ, “tại thời điểm đề nghị cấp bảo lãnh, bên được bảo lãnh không vi phạm trong quan hệ cấp tín dụng, thanh toán tại tổ chức tín dụng”, mà chủ đầu tư (bên được bảo lãnh) chỉ phải trả phí bảo lãnh, không phải thực hiện ký quỹ, không cần phải có tài sản bảo đảm;

Thứ ba, NHNN cần quy định chủ đầu tư dự án phải mở tài khoản tại ngân hàng thương mại để nhận tiền thanh toán mua nhà, thuê mua nhà hình thành trong tương lai của khách hàng theo hợp đồng, và thanh toán cho nhà thầu, các nhà cung cấp vật liệu xây dựng theo tiến độ thi công công trình, để đảm bảo điều kiện cho ngân hàng thương mại giám sát dòng tiền của doanh nghiệp.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN