Thủ tướng Chính phủ vừa ký nghị định ban hành khung giá đất mới trong 5 năm tới thuộc giai đoạn 2019-2024, so với mức hiện hành thì khung giá mới cao hơn trung bình khoảng 20%. Căn cứ vào đây, các tỉnh và thành phố sẽ xây dựng, điều chỉnh giá đất ở địa phương. Hai địa phương là Hà Nội và TP HCM thuộc khu vực có khung giá cao nhất, tối đa 162 triệu/m2. Khung giá đất ở thấp nhất cả nước là tại đô thị loại V vùng Bắc Trung Bộ với mức tối thiểu chỉ 40.000 đồng/m2.
Nghị định 96/2019 vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành quy định khung trần giá đất đô thị loại 1-5 tại 7 vùng kinh tế, sẽ áp dụng 2019-2024. Đây là căn cứ để các tỉnh, thành phố xây dựng, điều chỉnh giá đất ở địa phương.
Theo Nghị định này, khung giá đất được chia thành 2 nhóm: Nhóm đất nông nghiệp và nhóm đất phi nông nghiệp. Trong đó:
Nhóm đất nông nghiệp bao gồm:
– Khung giá đất trồng cây hàng năm (đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác);
– Khung giá đất trồng cây lâu năm;
– Khung giá đất rừng sản xuất;
– Khung giá đất nuôi trồng thủy sản;
– Khung giá đất làm muối.
Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm:
– Khung giá đất ở tại nông thôn;
– Khung giá đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn;
– Khung giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn;
– Khung giá đất ở tại đô thị;
– Khung giá đất thương mại, dịch vụ tại đô thị;
– Khung giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị.
Theo đó, khung giá đất chung vẫn quy định giá tối thiểu, tối đa cho các vùng. Cụ thể khung giá áp tối thiểu 40,000-120,000 đồng một m2 và tối đa 48-162 triệu đồng một m2. Theo tính toán, khung giá đất mới tăng khoảng trung bình 20% so với giai đoạn trước đó là 2015-2019.
STT | Vùng, địa phương |
Thấp nhất (đồng/m2) | Cao nhất (đồng/m2) |
1 | Trung du, miền núi phía Bắc: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang và Quảng Ninh. | 50.000 | 65.000.000 |
2 | Đồng bằng sông Hồng: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình. | 120.000 | 162.000.000 |
3 | Bắc Trung Bộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế | 40.000 | 65.000.000 |
4 | Duyên hải Nam Trung Bộ: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận | 50.000 | 76.000.000 |
5 | Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk và Lâm Đồng | 50.000 | 48.000.000 |
6 |
Đông Nam Bộ: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh và TP HCM |
120.000 | 162.000.000 |
7 | Đồng bằng sông Cửu Long: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau | 50.000 | 65.000.000 |
Nghị định cũng yêu cầu UBND cấp tỉnh căn cứ vào thực tế tại địa phương được quy định mức giá tối đa trong bảng giá đất, bảng giá đất điều chỉnh cao hơn không vượt quá 20% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất.
Theo cục Thuế thành phố Hà Nội, việc tăng giá đất 15% trong giai đoạn 5 năm tới làm tăng nguồn thu cho ngân sách khoảng 3,810 tỉ đồng từ các khoản thuế, phí, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Với mức tăng này, sau năm 2022, mỗi hộ dân ở Hà Nội sẽ đóng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cao hơn hiện tại 45,000 đồng/năm. Tổng số tiền thuế Nhà nước thu thêm tăng khoảng 57 tỉ đồng.
Số/Ký hiệu | 96/2019/NĐ-CP |
Ngày ban hành | 19/12/2019 |
Người ký | Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Trích yếu | Quy định về khung giá đất |
Cơ quan ban hành | Chính phủ |
Phân loại | Nghị định |
(ST)