Trang chủ Tin tức Thủ tục, quy trình sang tên sổ đỏ sau khi Cha (hoặc Mẹ) mất như thế nào?

Thủ tục, quy trình sang tên sổ đỏ sau khi Cha (hoặc Mẹ) mất như thế nào?

bởi Hoàng Long
Thủ tục nhận thừa kế và sang tên sổ đỏ/sổ hồng khi Cha (hoặc Mẹ) đã mất.

Trường hợp thường gặp: Gia đình 2 đấng sinh thành đã mất 1 người, hiện nay chỉ còn 1 người. Gia đình có Bố (hoặc Mẹ) đã qua đời, chủ quyền (sổ đỏ, sổ hồng) vẫn đứng tên người đã chết. Bây giờ gia đình muốn chuyển tên trên sổ chủ quyền từ tên người đã qua đời sang tên thành viên trong gia đình cần phải làm thủ tục gì? Những loại chi phí khi chuyển chủ quyền (sổ đỏ/sổ hồng) từ người mất sang tên con cái khoảng bao nhiêu? Chi tiết thế nào?

Hướng giải quyết ra sao?

Để gia đình có toàn quyền quyết định về quyền sử dụng đất, trước tiên gia đình phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế.

Sẽ có 2 trường hợp xảy ra: Cha (hoặc Mẹ) mất có để lại di chúc (Trường hợp 1) [và] không để lại di chúc (Trường hợp 2). Sau đây xin đi vào chi tiết cho từng trường hợp. Anh/Chị vui lòng xem diễn giải chi tiết bên dưới.

TRƯỜNG HỢP 1 – NGƯỜI MẤT CÓ ĐỂ LẠI DI CHÚC

Trường hợp Cha (hoặc Mẹ) có để lại di chúc và di chúc được công nhận hợp pháp thì phần tài sản [người đã mất] để lại sẽ được chia theo di chúc ấy. Nếu trong di chúc, mảnh đất có sổ đỏ/sổ hồng đứng tên [người đã qua đời] được chia cho con cái thì việc sang tên sổ đỏ sẽ được thực hiện một cách đơn giản sau khi gia đình làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế như sau:

Thủ tục công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế theo di chúc.

Gia đình đến tổ chức công chứng tại địa phương để yêu cầu công chứng. Bộ hồ sơ thực hiện gồm có:

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
– Giấy chứng tử [của người đã chết];
– Di chúc;
– Chứng minh thư, hộ khẩu thường trú của những người liên quan;
– Chứng minh thư, hộ khẩu thường trú của những người được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc (nếu có).
– Những giấy tờ khác theo yêu cầu (nếu có).

Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú trước đây của người để lại di sản. Trong trường hợp không có nơi thường trú, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi tạm trú có thời hạn của người đó. Nếu không xác định được cả hai nơi này, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi có đất của người để lại di sản.

Sau 30 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng để chứng nhận văn bản thừa kế. Người nhận thừa kế và những người thừa kế khác (nếu có) cùng ký tên vào văn bản khai nhận.

TRƯỜNG HỢP 2 – NGƯỜI MẤT KHÔNG ĐỂ LẠI DI CHÚC

Trường hợp người đã mất mà không để lại di chúc thì việc phân chia tài sản tuân theo quy định của pháp luật. Cụ thể, Bộ luật dân sự 2015 có quy định: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Theo đó, tài sản của [người đã chết] sẽ được chia đều cho người có hàng thừa kế liền sau. Cha hoặc mẹ (người còn sống) và con cái là những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Như vậy nếu 1 thành viên nào đó muốn làm giấy xác nhận quyền sử dụng đất đứng tên mình, thì những người được nhận thừa kế còn lại phải đồng ý tặng/cho phần thừa kế của mình cho người đó.

Khai nhận di sản thừa kế trong trường hợp không có di chúc:

– Cơ quan có thẩm quyền: tổ chức công chứng ở địa phương nơi có đất (văn phòng công chứng, phòng công chứng thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện).

– Hồ sơ khi công chứng gồm có:

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
+ Giấy chứng tử [người đã chết].
+ Chứng minh thư/ Hộ chiếu của người được thừa kế.
+ Sổ hộ khẩu.
+ Giấy đăng ký kết hôn của Cha-Mẹ.
+ Trong trường hợp các người nhận thừa kế đồng ý tặng-cho phần thừa kế của mình cho thành viên nào đó [trong số những người nhận thừa kế] thì ngoài các giấy tờ nêu trên, sẽ phải có thêm văn bản ghi nhận sự thỏa thuận của các đồng thừa kế về vấn đề này.

Nếu kiểm tra hồ sơ đầy đủ và phù hợp với quy định của pháp luật thì cơ quan công chứng sẽ tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú trước đây của người để lại di sản; trong trường hợp không có nơi thường trú, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi tạm trú có thời hạn của người đó. Nếu không xác định được cả hai nơi này, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi có bất động sản của người để lại di sản.

Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo Điều 49 Luật Công chứng.

Sang tên quyền sử dụng đất

Hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất gồm:

+ Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có công chứng (nếu có).
+ Văn bản khai nhận di sản có công chứng.
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
+ Giấy tờ khác: CMT, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thông báo cho các bên chuyển nhượng thực hiện nghĩa vụ tài chính. Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, các bên nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại nơi đã nộp hồ sơ. Xem thêm: chuyển nhượng sổ đỏ cần những thủ tục gì?

(Tham khảo và tổng hợp)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00