Trang chủ Tin tức Cả trăm dự án tại TP.HCM bị đóng băng, thị trường thiệt đơn thiệt kép

Cả trăm dự án tại TP.HCM bị đóng băng, thị trường thiệt đơn thiệt kép

bởi Hoàng Long
Thị trường chịu nhiều tác động khi nguồn cung bất động sản tại TP.HCM đóng băng.

Trong bản báo cáo kiến nghị giải quyết ách tắc của doanh nghiệp, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cho biết, sau 3 tháng đầu năm 2019, các nhà phát triển bất động sản càng lo ngại trước tình trạng nhiều dự án bị ách tắc vì không được xem xét, giải quyết kịp thời. Sự kiện này gây ra thiệt đơn thiệt kép làm giảm nguồn thu ngân sách, tăng giá nhà, doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh và có nguy cơ phá sản.

Xem thêm: Chuẩn bị siết chặt tín dụng cho phân khúc bất động sản cao cấp trên 3 tỷ đồng./

Thống kê trên thị trường hiện nay tại khu vực Tp.HCM có khoảng 100 dự án đang bị treo tiến độ vì rơi vào vòng luẩn quẩn rà soát, kiểm tra pháp lý kéo dài khiến không thể triển khai. Hiệp hội bất động sản Tp.HCM đưa ra 5 tác động tiêu cực như sau:

1. Theo quy luật cung cầu sự khan hiếm thì số dự án giảm dẫn đến lượng nhà ở đưa ra thị trường cũng ít hơn. Nguồn cung hàng hóa sụt giảm kéo theo việc tăng giá bất động sản.

2. Cả trăm dự án bị đình trệ làm giảm cơ hội tạo lập nhà ở của số đông người có thu nhập thấp và trung bình, tác động đến việc đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở, mất đi cơ hội sở hữu nhà để an cư của các đối tượng này.

3. Nguồn thu ngân sách nhà nước từ bất động sản bị sụt giảm. Thu ngân sách Tp.HCM đối với tiền sử dụng đất năm 2018 giảm 22.5%. Hai tháng đầu năm 2019, ngân sách giảm đến 76% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng nợ thuế trong 2 tháng đầu năm trên địa bàn Tp.HCM lên đến 10,110 tỷ đồng, tăng 13.5% so với cuối năm 2018, trong đó, các khoản nợ liên quan tới đất là 1,370 tỷ đồng, chiếm 14%, và đã có đến 76 doanh nghiệp xây dựng bất động sản nợ thuế tổng số tiền sử dụng đất gần 800 tỷ đồng.

4. Theo đánh giá của hiệp hội HoREA, quá trình rà soát, thanh tra càng kéo dài thì càng bất lợi cho doanh nghiệp vì chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh. Ở góc độ tài chính, quá trình này sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh và vòng quay tài sản của doanh nghiệp. Không chỉ doanh nghiệp địa ốc bị ảnh hưởng mà các công ty xây dựng, và các đối tác cũng bị ảnh hưởng. Số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp của các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm mạnh do các chủ đầu tư thiếu nguồn dự án mới.

5. Môi trường kinh doanh tại Tp.HCM bị suy giảm tính minh bạch, khó đoán định và có thể làm tăng tính rủi ro cho doanh nghiệp do đã có nhiều dự án bị xem xét xử lý lại (hồi tố). Hiện nay, để giảm rủi ro pháp lý, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tiến đến việc phát triển các dự án nằm ngoài khu vực thành phố để kịp tìm kiếm nắm bắt cơ hội cho công việc kinh doanh của họ.

Nguyên nhân cả trăm dự án tại Tp.HCM bị ách tắc kéo dài

Nguyên nhân khách quan của việc 100 dự án nhà ở rơi vào tình trạng tê liệt theo HoREA là hệ thống pháp luật vẫn còn chưa đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ. Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, chồng chéo, dẫn đến cơ chế “xin cho”, tiêu cực.

Thị trường chịu nhiều tác động khi nguồn cung bất động sản tại TP.HCM đóng băng.

Thị trường chịu nhiều tác động khi nguồn cung bất động sản tại TP.HCM đóng băng.

Nguyên nhân chủ quan là công tác thực thi pháp luật còn rất nhiều hạn chế, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, nguyên nhân còn nằm ở việc một số cán bộ, công chức nhà nước có thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến bất động sản, có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, chuyển hồ sơ lòng vòng, không dám nêu chính kiến giải quyết, vừa nhũng nhiễu, “hành” doanh nghiệp.

HoREA kiến nghị UBND TP HCM và Thanh tra Chính phủ xem xét, giải quyết hợp tình, hợp lý đối với hơn 100 dự án đang bị ách tắc chờ rà soát, thanh tra, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc không làm thất thoát tài sản công.

Hiệp hội đề xuất phân loại hơn 100 dự án đang bị rà soát, thanh tra thành 3 nhóm cụ thể để có phương án xử lý từng tình huống.

  • Nhóm 1 gồm các dự án về cơ bản thực hiện đúng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì giải tỏa ngay để doanh nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện.
  • Nhóm 2 là có sai phạm về quy trình, thủ tục, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước ở mức độ không lớn, thì yêu cầu doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục đầu tư và thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với Nhà nước, không để thất thoát tài sản công.
  • Nhóm 3 gồm các dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì tách riêng để xử lý theo quy định pháp luật.

HoREA cũng kiến nghị cho phép các chủ đầu tư hơn 100 dự án đang bị rà soát, thanh tra được tiếp tục giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính về chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch. Ngoài ra cần xác định tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thủ tục về điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh ranh hoặc mục tiêu dự án theo quy định của pháp luật. Kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính tiếp tục và khẩn trương thực hiện công tác xác định giá đất, thẩm định giá đất để tính tiền sử dụng đất dự án bất động sản. Nguyên nhân bởi gần như công tác tính tiền sử dụng đất dự án bất động sản trên địa bàn thành phố bị ngưng trệ, nhiều hồ sơ tính tiền sử dụng đất kéo dài hằng năm trời vẫn chưa được giải quyết xong.

(Zing)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00