Trang chủ Tin tức Chuẩn bị siết chặt tín dụng cho phân khúc bất động sản cao cấp trên 3 tỷ đồng

Chuẩn bị siết chặt tín dụng cho phân khúc bất động sản cao cấp trên 3 tỷ đồng

bởi Hoàng Long
Ngân hàng sẽ siết nguồn tín dụng cho vay mua nhà trên 3 tỷ đồng, đảm bảo an toàn cho thị trường.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết việc sửa quy định, tăng hệ số rủi ro vay mua nhà ở cao cấp sẽ hạn chế dòng vốn cho vay rót vào kinh doanh bất động sản & phân khúc bất động sản cao cấp, nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro cho thị trường này.

Siết chặt tín dụng nhà ở trên 3 tỷ để giảm rủi ro cho thị trường

NHNN vừa công bố dự thảo lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định các giới hạn, tỉ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (dự thảo thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN). Một trong những nội dung sửa đổi so với Thông tư 36 trước đó là thay đổi quy định về hệ số rủi ro với các khoản vay bất động sản.

Theo dự thảo mới, hệ số rủi ro mà các nhà băng phải áp dụng khi trích lập dự phòng cho các khoản vay cá nhân dư nợ từ 3 tỷ đồng sẽ là 150%.

Trong phần giải trình, cơ quan điều hành cho biết nội dung mới sẽ gián tiếp yêu cầu các nhà băng dự trữ thêm vốn đối với lĩnh vực bất động sản có tiềm ẩn rủi ro. Đồng thời, nội dung này cũng nhằm kiểm soát cho vay cá nhân liên quan đến bất động sản để mua nhà ở phân khúc cao cấp.

Ngân hàng Nhà nước cũng áp hệ số rủi ro 50% với các khoản vay được bảo đảm bằng nhà ở, quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất và đáp ứng một trong những điều kiện: phục vụ hoạt động kinh doanh, khoản cho vay cá nhân để mua nhà ở xã hội, mua nhà theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ và khoản vay cá nhân mua nhà có giá trị nợ gốc dưới 1,5 tỷ đồng.

Ngoài tăng hệ số tín dụng rủi ro đối với bất động sản (BĐS), dự thảo trên còn đưa ra hai phương án điều chỉnh vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo xu hướng giảm dần tỉ lệ này xuống còn 30% thay vì lộ trình hiện nay là 40%. Trong khi đó, các khoản vay đối với thị trường BĐS thường có nhu cầu sử dụng vốn trung, dài hạn cao nên việc giảm tỉ lệ này đồng nghĩa với nguồn vốn vào thị trường càng ít.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh này xuất phát từ chủ trương của Chính phủ về hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản, an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng và đề xuất mới đây của Bộ Xây dựng. Trong đó, đơn vị chủ quản đề xuất Ngân hàng Nhà nước “kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản theo hướng thắt chặt nguồn tín dụng, giảm hạn mức cho vay đối với các dự án bất động sản cao cấp và một chủ đầu tư có nhu cầu vay số lượng lớn cho nhiều dự án bất động sản”.

Đồng thời, quy định về tăng hệ số rủi ro này cũng là một thông điệp để các ngân hàng, chi nhánh NHNN sớm chuẩn bị cho việc tuân thủ Thông tư 41 kể từ ngày 1/1/2020.

Những điều khoản mới cũng yêu cầu các ngân hàng thận trọng, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với cho vay phục vụ đời sống nhưng sử dụng vốn vay vào mục đích kinh doanh bất động sản, từ đó giảm thiểu rủi ro khi thị trường bất động sản có biến động mạnh theo chiều hướng xấu.

Dự thảo Thông tư yêu cầu ngân hàng, chi nhánh NHNN phải xây dựng biện pháp và kế hoạch xử lý để đảm bảo đáp ứng quy định sau thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày Thông tư có hiệu lực.

Mới đây, Thống đốc NHNN cũng yêu cầu NHNN các tỉnh, thành phố thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường bất động sản và việc cấp tín dụng của các NH thương mại đối với lĩnh vực này trên địa bàn, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố, khu vực có hiện tượng sốt đất. Khi tình hình có biến động bất thường, các đơn vị chủ động thực hiện khảo sát, đánh giá và kịp thời báo cáo, đề xuất với thống đốc biện pháp xử lý. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng, đặc biệt là đối với lĩnh vực bất động sản, cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng…

Báo cáo thị trường của công ty CBRE năm 2018 cho thấy trong phân khúc bất động sản cao cấp, hạng sang ở TP.HCM, tỷ lệ mua đầu tư chiếm đến 61%; khách hàng mua để ở chỉ chiếm 26%. So sánh với năm trước, tỉ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp năm 2018 tăng mạnh.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, việc gia tăng quá nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp trong phân khúc nhà ở cao cấp và trung cao cấp nhằm đầu tư kinh doanh, cất giữ tài sản dễ dẫn đến việc đầu cơ và kích giá ảo trên thị trường bất động sản.

(ST)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00